Trung Quốc là cường quốc bóng bàn thế giới, nhưng sự thừa thãi nhân tài đã dẫn tới làn sóng di cư của nhiều VĐV đẳng cấp tới các quốc gia khác khi họ xác định ít có cơ hội nếu ở lại quê hương.
Ni Xialian góp công giúp đội Trung Quốc giành HC vàng đồng đội và HC vàng đôi nam nữ tại giải vô địch bóng bàn thế giới 1983. Nhưng chừng đó không đủ để thuyết phục các HLV của nữ VĐV này tin rằng có thể giúp cô kéo dài sự nghiệp đỉnh cao bên cạnh các tay vợt mạnh nhất ở Trung Quốc cùng thời. Bởi vậy, bà quyết định rời bỏ quê nhà Thượng Hải để tới châu Âu.
Ni thuộc số những tay vợt đi tiên phong, rời Trung Quốc sau khi bị cho là hết giá trị sử dụng, để đến với những nền bóng bàn khan hiếm nhân tài nhưng đãi ngộ tốt hơn trên khắp thế giới. Ảnh: Reuters. |
Ở tuổi 53, Ni vẫn thi đấu, ở kỳ Olympic thứ ba trong sự nghiệp, trong màu áo của Luxembourg – quốc gia mà bà nhập tịch từ năm 1991. Đó từng được xem là một quyết định dịch chuyển độc đáo. Thời ấy, chỉ có số ít các VĐV di cư từ Trung Quốc tới một vài quốc gia nhất định ở châu Âu.
Nhưng tới nay, trào lưu “xuất khẩu” VĐV bùng nổ tới mức tạo thành cả một cộng đồng các tay vợt Trung Quốc hải ngoại. Họ có mặt ở hầu khắp các châu lục, và góp phần dần định hình lại bức tranh của bóng bàn thế giới.
Tại Olympic 2016, các tay vợt sinh ra tại Trung Quốc không chỉ đại diện thi đấu cho quê gốc, mà còn cả 21 quốc gia khác, trong tổng số 56 đoàn thể thao. Trong tất cả 172 tay vợt bóng bàn của kỳ Thế vận hội lần này, có ít nhất 44 VĐV sinh ra ở Trung Qốc.
Nhiều môn thể thao tại Rio 2016 có các VĐV sinh ra bên ngoài quốc gia mà họ đại diện tranh tài, nói cách khác họ chỉ là các VĐV nhập tịch. Ví dụ như Mỹ, họ có hàng chục VĐV kiểu như vậy ở hơn 20 thể thao. Nhưng bóng bàn vẫn là một trường hợp khác biệt. Có tới khoảng một phần ba số tay vợt tranh tài ở Rio 2016 sinh ra bên ngoài quốc gia họ đại diện. Tất cả các môn thể thao khác đều kém xa bóng bàn ở khía cạnh thống kê này.
Danh sách dài các tay vợt sinh ra tại Trung Quốc tham gia Olympic 2016 rõ ràng cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của Trung Quốc ở môn thể thao này, nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi: “Liệu đây có phải cách tốt nhất cho bóng bàn thế giới phát triển?”.
“Đó không phải là một vấn đề”, Chủ tịch Liên đoàn bóng bàn quốc tế, Thomas Weikert, phát biểu. “Đúng hơn, đó là một chủ đề để thảo luận”.
Sự thống trị gần như tuyệt đối của các tay vợt hàng đầu Trung Quốc tại các kỳ Olympic cho thấy đúng là nếu nhiều VĐV khác của họ không di cư tới quê hương thứ hai, thì hầu như không có cơ hội được thi đấu ở Thế vận hội.
Hai trong ba thành viên đội bóng bàn đồng đội nữ Đức là những tay vợt Trung Quốc nhập cư. Ảnh: Reuters. |
Tại Olympic Rio 2016, kịch bản vẫn như thường lệ ở môn bóng bàn. Ding Ning đánh bại đồng đội Li Xiaoxia để mang về cho Trung Quốc HC vàng và HC bạc đơn nữ. Tương tự ở nội dung đơn nam, Ma Long đánh bại đồng đội Zhang Jike ở chung kết. HC vàng đồng đội của cả nam và nữ cũng đều thuộc về Trung Quốc.
Trung Quốc tới giờ đã giành tới 27 HC vàng trong tổng số 31 HC vàng bóng bàn được trao qua các kỳ Olympic, kể từ khi bóng bàn trở thành một môn thi đấu của Thế vận hội vào năm 1988.
Cách đây tám năm tại Olympic Bắc Kinh, bóng bàn Trung Quốc quét sạch cả HC vàng, bạc, đồng của cả nội dung đơn nam và đơn nữ. Kể từ Olympic London 2012, sau khi luật mới giới hạn các nội dung thi đấu đơn chỉ có tối đa hai VĐV từ mỗi quốc gia được tham gia tranh tài, Trung Quốc chỉ còn có thể giành cả HC vàng và bạc.
Rất nhiều tay vợt Trung Quốc phải nhập tịch để đại diện thi đấu cho các quốc gia khác vì họ tài năng nhưng không đủ tốt theo tiêu chuẩn của chương trình đào tạo VĐV cấp quốc gia. Ở Trung Quốc, các CLB cấp tỉnh, thành phố tuyển chọn và đào tạo các tay vợt trước khi tiến cử những người tốt nhất của họ cho chương trình đào tạo quốc gia. Và sau cùng chỉ có 50 tay vợt nam và 50 tay vợt nữ tốt nhất được tập trung đào tạo để vươn tới đỉnh cao.
“Có quá nhiều sự cạnh tranh. Tôi khi đó không còn đủ kiên nhẫn và lòng can đảm để theo đuổi sự nghiệp VĐV ở Trung Quốc nữa”, Ni Xialian cho hay. Bà rời đội tuyển quốc gia vào năm 1986 để theo học đại học, trước khi gia nhập một CLB bóng bàn chuyên nghiệp ở Đức vào năm 1989.
“Sau khi tôi mất cơ hội vào đội tuyển quốc gia Trung Quốc, tôi vẫn còn trẻ, tôi vẫn còn giấc mơ phát triển sự nghiệp”, Eugene Wang, 30 tuổi, giải thích lý do lựa chọn thi đấu cho Canada. VĐV này được công nhận là một tay vợt Canada từ tháng 6/2012 và kịp đại diện cho quốc gia này tranh tài ở Olympic London. Tại Rio 2016, anh chỉ vào đến vòng ba đơn nam.
Nhiều quốc gia lôi kéo các tay vợt Trung Quốc ngoài lý do cần thành tích trước mắt, còn bởi muốn tận dụng kỹ năng của họ cho mục tiêu đào tạo các VĐV bản địa.
Vì sự chênh lệch chuyên môn quá lớn, nhiều tay vợt Trung Quốc thường xuyên kiêm luôn cả vai trò HLV tại các quốc gia nhập tịch. Chẳng hạn như Ni Xialian, bà ban đầu tới Luxembourg từ Thượng Hải để làm việc với tư cách một HLV. Nhưng sau đó bà quyết định trở lại thi đấu toàn thời gian cho quốc gia này khi nhận thấy bà rõ ràng là tay vợt mạnh nhất của Luxembourg. Ở tuổi 53, bà vẫn thi đấu ở Olympic Rio và vào tới vòng ba đơn nữ. Trước đó, bà từng mang về cho Luxembourg ba HC vàng đơn nữ giải vô địch châu Âu.
Ma Long, tay vợt nam số một thế giới hiện nay, phát biểu: “Tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi họ, những VĐV Trung Quốc di cư, có thể giúp các tay vợt ở nơi khác phát triển tài năng”.
Những VĐV Trung Quốc di cư nói gì. “Tôi cảm thấy hoàn toàn thích nghi với đất nước Brazil. Tất cả đồng nghiệp đều coi tôi là người Brazil”, Gui Lin, 22 tuổi, phát biểu bằng tiếng Bồ Đào Nha rất rõ ràng. Gui chuyển tới Brazil khi mới 12 tuổi, theo một chương trình trao đổi tài năng thể thao, nhưng cô mới nhập tịch và đại diện thi đấu cho Brazil từ Olympic London 2012. Tại Rio 2016, Gui vào vòng hai đơn nữ.
Gui Lin đầu quân cho Brazil để có cơ hội dự Olympic, điều mà cô không thể có nếu vẫn ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
“Nhưng tôi cũng không thể quên rằng tôi là người gốc Trung Quốc, vì đó là nơi tôi sinh ra. Với tôi đây thực sự là trải nghiệm độc đáo, khi sinh ra ở một quốc gia nhưng trưởng thành và thi đấu cho một quốc gia khác”, Gui nói thêm.
Trong khi đó, có nhiều tay vợt lại giống như Li Ping, 30 tuổi, người mới chia tay đội tuyển Trung Quốc vào năm ngoái để chuyển sang thi đấu cho Qatar.
“Tôi không nghĩ việc bạn đại diện thi đấu cho quốc gia nào là điều thực sự quan trọng với một VĐV”, Li phát biểu. Anh đứng vị trí thứ 28 thế giới trước khi tranh tài ở Olympic Rio và chỉ giành quyền vào tới vòng ba đơn nam. “Điều quan trọng với một VĐV là có thể tham dự Olympic và chứng tỏ được khả năng của bản thân trên sân đấu”, Li nhấn mạnh.
Theo luật hiện hành, những tay vợt chuyển đổi quốc tịch sau khi sang tuổi 21 không được phép thi đấu ở các giải bóng bàn lớn như Vô địch thế giới, World Cup và World Team Cup. Nhưng họ vẫn được phép đại diện cho quốc gia nhập tịch thi đấu ở Olympic. Đa số các tay vợt muốn luật bỏ giới hạn về độ tuổi thay đổi quốc gia đại diện, thay vào đó là quy định về khoảng thời gian cư trú ở quốc gia mới xin nhập tịch.
Nguồn: VnExpress
Trả lời